Với ưu điểm vượt trội như thời gian sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhanh khép tán phủ xanh đất trống đồi núi trọc và năng suất cao hơn 1,5 lần so với keo thường, mô hình trồng keo lai nuôi cấy mô của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực cho người trồng rừng.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 14.000 ha rừng sản xuất, diện tích này cơ bản đã được giao khoán cho các tổ chức và hộ gia đình cá nhân sử dụng vào mục đích SXKD lâm nghiệp.
Trồng cây keo lai nuôi cấy mô
Cơ cấu cây trồng chủ yếu là trồng thuần loài cây bạch đàn và bạch đàn chồi nhiều chu kỳ liên tiếp; loại cây này chất lượng thấp (năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 10m3/ha/năm), vì vậy giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp rất thấp, đời sống của người dân làm nghề rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lá cây bạch đàn có nhiều dầu nên lớp thảm tươi dưới tán rừng không phát triển được, dẫn đến đất bị xói mòn, rửa trôi, thoái hóa mạnh.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trồng rừng sản xuất, đồng thời bảo vệ đất, môi trường sinh thái, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các nhà máy khu công nghiệp trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã trồng khảo nghiệm 5 mô hình keo lai mô BV 10 trên địa bàn các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên với quy mô 1 ha/1 mô hình.
Các mô hình đều được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh rừng gỗ lớn theo phương thức trồng thuần loài. Mật độ trung bình 1.333 cây/ha. Tham gia mô hình, các hộ trồng rừng được hỗ trợ 60% chi phí bao gồm: giống, phân bón, nhân công và được tập huấn kỹ thuật về khoảng cách trồng, kích thước hố, bón phân, trồng cây… Hiện, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Đặc điểm cây keo lai nuôi cấy mô
Với đặc điểm thời gian sinh trưởng nhanh, trồng được trên nhiều loại đất và điều kiện khí hậu khác nhau, đặc biệt sinh trưởng tốt trong điều kiện mùa đông khô lạnh ở miền Bắc; keo lai BV10 có thân thẳng, cành nhánh nhỏ và ít, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhanh khép tán phủ xanh đất trống đồi núi trọc trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, cây có khả năng cố định đạm, do đó cải tạo đất khá tốt. Qua 4 năm triển khai mô hình, giống cây keo lai mô BV10 cho kết quả vượt trội so với giống truyền thống. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cao hơn 10%; đường kính gốc bình quân 8-10 cm, cao hơn 35-40%; chiều cao vút ngọn từ 7-9 m, vượt 20-30% so với giống đối chứng.
Ông Hoàng Quốc Vượng, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, một trong những hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm keo lai mô BV10 cho biết:
Trước đây gia đình trồng rừng sản xuất chủ yếu là bạch đàn, hiệu quả không cao. Năm 2017, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống và phân bón của Chi cục Kiểm lâm, gia đình trồng 1ha keo lai mô BV10 và năm 2018 trồng tiếp 4 ha. Sau hơn 3 năm trồng, cây phát triển nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc. Riêng, diện tích 1 ha keo lai mô BV10 trồng từ năm 2017 đến nay cây đã có chiều cao từ 6-9 m, bộ rễ của cây có tác dụng cải tạo đất, không làm đất bị chai, bạc màu như cây bạch đàn.
Theo ông Vượng, với tỷ lệ cây sống cao, thân to, khỏe, sau chu kỳ 8-10 năm, rừng keo lai mô của gia đình có thể đạt từ 100-120 m3 gỗ/ha, giá trị kinh tế mang lại bình quân 150 triệu đồng/ha; trong khi hình thức canh tác, trồng rừng truyền thống vốn được người dân trên địa bàn tỉnh duy trì hàng chục năm nay thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha rừng/năm; khoảng 70 triệu đồng/ha với chu kỳ khai thác 7 năm.
Ông Hoàng Văn Hào, Phó chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng SXKD hiệu quả và bền vững hiện nay. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Từ thành công bước đầu mô hình trồng keo lai mô BV10, năm 2018, Chi cục tiếp tục triển khai 12 mô hình với diện tích 24 ha trồng khảo nghiệm keo lai BV10 và BV16.
Năm 2019, triển khai 5 mô hình với diện tích 10 ha trồng khảo nghiệm keo lai BV16, BV33, cây bạch đàn PNCT3, PNCTIV trên địa bàn 05 huyện, thành phố. Với phương pháp trồng áp dụng kỹ thuật thâm canh mới, mật độ cây đảm bảo, cây sinh trưởng phát triển tốt và đồng đều, dễ chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh hại cho rừng trồng.
Thành công bước đầu từ các mô hình trồng keo lai đã mở ra hướng đi mới cho nông dân về đầu tư thâm canh rừng sản xuất hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Mô hình không chỉ thay đổi phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp, mà còn giúp người dân giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, chống xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác; qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm cho lao động nông thôn và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục khuyến cáo người dân mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất bằng keo lai nuôi cấy mô; chỉ đạo các đơn vị cung cấp giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trồng rừng; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rừng, nhất là trồng rừng giống mới thay thế giống cũ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống tạo động lực để người lao động nghề rừng yên tâm, gắn bó với rừng.
Theo báo Bình Phước